Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô

Tư vấn - Đánh giá

Một trong những hệ thống trung gian linh động giúp ổn định thân xe, êm dịu trong chuyển động của một chiếc xe ô tô được quyết định chủ yếu dựa vào hệ thống treo (nhún) trên ô tô. Hệ thống treo trên ô tô khi sử dụng lâu thường xảy ra các hư hỏng như phát ra tiếng kêu, chảy dầu, xóc,… mặc dù chúng thường được làm từ lá nhíp và lò xo trụ có giá thành thấp, dễ chế tạo, làm việc tin cậy và có độ bền rất cao. 

 

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 1

 

Hầu hết mọi người khi sở hữu một chiếc ô tô đều luôn quan tâm về động cơ và hệ thống truyền động như thế nào? động cơ có mạnh mẽ hay không? Có tiêu hao nhiên liệu nhiều hay không? Hộp số được trang bị trên xe là loại hộp số tự động hay số sàn? Hộp số tự động vô cấp hay có cấp?

 

Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, làm sao chiếc xe có thể ổn định khi di chuyển với vận tốc cao? Tại sao chúng ta ít cảm thấy bị va chạm, rung lắc khi ngồi bên trong một chiếc ô tô? Tại sao chiếc xe vẫn có thể bám trên mặt đường và quay vòng “ôm cua” ở vận tốc cao mà không bị lật?

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 2

 

Hệ thống treo (nhún) là gì?

 

Hệ thống treo là một trong các hệ thống quan trọng trên ô tô, nó giúp ổn định thân xe khi di chuyển. Hệ thống treo là một hệ thống trung gian linh động, nó kết nối các cầu xe với thân xe, hệ thống treo được kết hợp từ các chi tiết khác nhau như các khâu khớp, cột trụ (các góc đặt bánh xe quan trọng như: kingpin, caster, camber), các đòn ngang, thanh cân bằng và bộ phận hấp thụ rung động; chúng kết hợp với nhau và cho phép các chuyển động tương đối giữa các bánh xe và thân xe.

 

Hệ thống treo cung cấp sự ổn định cho chiếc xe khi di chuyển với vận tốc cao, quay vòng hay phanh đột ngột. Cơ cấu giảm chấn giúp giảm rung động thân xe do điều kiện mặt đường gây ra bằng cách hấp thu các rung động và chuyển nó thành một dạng năng lượng khác, giúp cho người ngồi trên xe cảm thấy êm dịu.

 

Công dụng của hệ thống treo trên xe ô tô

 

Hệ thống treo dùng để nối đàn hồi giữa khung hoặc vỏ xe với các cầu, các bánh xe của ô tô và thực hiện các chức năng sau:

 

  • Khi ô tô chuyển động, nó cùng với lốp hấp thụ và cản lại các rung động, các dao động và các va đập tác dụng lên xe do mặt đường không bằng phẳng, để bảo vệ hành khách, hành lý và cải thiện tính ổn định.
  • Xác định động lực chuyển động của bánh xe, truyền lực kéo, và lực phanh sinh ra do ma sát giữa mặt đường và các bánh xe, lực bên và các mô men phản lực tới gầm và thân xe.
  • Dập tắt các dao động thẳng đứng của khung vỏ sinh ra do ảnh hưởng của mặt đường không bằng phẳng.

 

Khi ôtô chuyển động trên đường không bằng phẳng sẽ chịu những dao động do mặt đường mấp nô sinh ra. Những dao động này ảnh hưởng xấu tới tuổi thọ của xe, hàng hóa và đặc biệt là ảnh hưởng tới hành khách. 

 

Theo số liệu thống kê cho thấy, khi ôtô chạy trên đường gồ ghề, so với ô tô cùng loại chạy trên đường tốt bằng phẳng thì 

 

  • Tốc độ trung bình giảm 40% – 50%, 
  • Quãng đường chạy giữa hai chu kỳ đại tu giảm 35% – 40%, 
  • Tiêu hao nhiên liệu tăng 50% – 70%, 
  • Năng suất vận chuyển giảm 30% – 40%, 
  • Giá thành vận chuyển tăng 50% – 70%. 

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 3

 

Ngoài ra, nếu con người phải chịu đựng lâu trong tình trạng xe chạy bị rung xóc nhiều dễ sinh ra mệt mỏi. Các kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của dao động ô tô tới cơ thể người đều đi tới kết luận là con người nếu phải chịu đựng lâu trong môi trường dao động của ô tô sẽ mắc phải những bệnh về thần kinh và não. Vì vậy, tính êm dịu chuyển động là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng xe.

 

Tính êm dịu của ô tô phụ thuộc vào kết cấu của xe và trước hết là hệ thống treo, sau đó là phụ thuộc vào trình độ của lái xe. Lực kích thích gây dao động có thể do sự không cân bằng của liên hợp máy hoặc do độ nhấp nhô của mặt đường không bằng phẳng. Nếu chỉ xét trong phạm vi khả năng chế tạo ô tô thì hệ thống treo mang tính chất quyết định đến độ êm dịu chuyển động của ô tô.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 4

 

Các loại hệ thống treo trên ô tô ngày nay

 

Một chiếc xe cần một hệ thống treo để duy trì sự tiếp xúc giữa bánh xe và mặt đường. Khi xe quay vòng, thân xe luôn có xu hướng xoay xung quanh trục song song với chiều thân xe, khi điều này xảy ra có thể làm cho chiếc xe bị lật ngang gây nguy hiểm cho người ngồi trong xe. Khi xe tăng tốc từ vị trí đứng yên hay phanh đột ngột khi đang di chuyển, thân xe có xu hướng bị lật về phía sau hoặc trước do lực quán tính tác động lên thân xe làm cho bánh xe mất khả năng bám đường khi tăng tốc hoặc phanh đột ngột.

 

Hệ thống treo hoạt động đồng thời cùng với hệ thống lái và hệ thống phanh để tạo sự ổn định khi xe di chuyển trên đường. Góc kingpin và caster được tạo ra bằng một khâu khớp của hệ thống treo để cho phép sự điều khiển mượt mà của vô lăng với các bánh xe phía dẫn hướng.

 

Hệ thống treo phụ thuộc

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 7

 

Là một hệ thống treo mà các bánh xe hai bên phía trước hoặc sau của xe được liên kết với nhau bằng một dầm cầu đồng nhất. Khi xe di chuyển qua các “ổ gà” hoặc mấp mô mặt đường, sự dao động của một bên bánh xe sẽ kéo theo chuyển động tương đối của bên còn lại. Các kiểu hệ thống treo phụ thuộc có thể kể đến là treo liên kết Satchell, liên kết Watt, nhíp lá,…

 

So với hệ thống treo độc lập thì các chi tiết ở hệ thống treo phụ thuộc ít và đơn giản hơn, độ bền cao, chịu tải tốt và đặc biệt phù hợp với các loại ô tô tải cũng như ô tô con sử dụng kết cấu khung vỏ rời (body-on-frame). Tuy nhiên, do khối lượng phần không được treo lớn nên hệ thống này kém êm dịu và ổn định, xe dễ bị rung động,…

 

Hệ thống treo phụ thuộc thường được bố trí trên các loại xe SUV như Toyota Fortuner, Toyota Hiace, Toyota Land Cruiser, Hyundai Santafe…và cũng được trang bị trên các dòng xe bán tải như: Toyota Hilux, Mazda BT3, Mitsubishi Triton, Nissan X-trail, Ford Ranger…

 

Hệ thống treo độc lập

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 12

 

Là một hệ thống treo mà hai bánh xe cùng một cầu đều có thể chuyển động độc lập với nhau. Không có một chuyển động tương đối nào xảy ra giữa các bánh xe, điều đó có nghĩa rằng các bánh xe đều được kết nối với khung xe một các độc lập. Khi xe di chuyển qua các mấp mô mặt đường, sự dao động của một bánh xe bất kỳ sẽ không ảnh hưởng tới các bánh xe còn lại. Các kiểu hệ thống treo độc lập tiêu biểu là hệ thống treo MacPherson, hệ thống treo tay đòn kép (double wishbone), hệ thống treo đa liên kết (multi-link),…

 

So với hệ thống treo phụ thuộc, phần không được treo nhỏ nên khả năng bám đường của bánh xe cao, tính êm dịu chuyển động cao. Do không có dầm cầu liền nối thân xe nên có thể bố trí trọng tâm xe thấp đi, nhưng ngược lại hệ thống treo độc lập có cấu trúc và thành phần phức tạp hơn,…

 

Hệ thống treo độc lập được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến trên ô tô. Những mẫu xe tiêu biểu có thể kể đến như Honda Civic, Honda CR-V, Toyota Camry (đều dùng cấu hình treo trước MacPherson và treo sau đa liên kết multi-link), Mercedes C-class (đa liên kết trước sau), Mercedes GLE-class (treo trước tay đòn kép/treo sau đa liên kết),…

 

Hệ thống treo bán độc lập

 

Cấu hình hệ thống treo này vẫn cho phép hai bánh xe chuyển động tương đối với nhau, tuy nhiên chuyển động của chúng vẫn có ảnh hưởng đến nhau. Ngày nay, hệ thống treo này xuất hiện phổ biến nhất dưới dạng thanh xoắn (torsion beam) kết hợp với thanh cân bằng (stabilizer bar). Hệ thống này thường được sử dụng ở cầu sau một số mẫu xe như Toyota Corolla Altis, Toyota Vios.

 

Một số hư hỏng thường gặp ở hệ thống treo trên ô tô

 

Với một số người dùng có kinh nghiệm, lỗi của hệ thống treo ô tô có thể được phát hiện thông qua các dấu hiệu như âm thanh lạ hoặc những dấu hiệu thông thường khác. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hệ thống treo trên ô tô vẫn cần thường xuyên được kiểm tra bởi đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp mỗi khi thay dầu để kịp thời phát hiện lỗi và có cách xử lý phù hợp như bảo dưỡng hay thay thế. 

 

Bộ phận giảm chấn

 

Đây là một bộ phận của hệ thống treo dễ phát sinh lỗi nhất. Bộ phận giảm chấn là bộ phận có chức năng hạn chế chuyển động của nhíp và lò xo trên hệ thống treo khi xe gặp các vật cản trên đường bằng lực cản của dầu chảy qua một khe tiết lưu trong piston, đồng thời chúng cũng mang lại tính êm dịu chuyển động thông qua việc hấp thụ rung động của thân xe. Tuy nhiên, giảm chấn lại rất hay bị chảy dầu hoặc tắc lỗ tiết lưu. Khi đó, phần ống ngoài giảm chấn sẽ bị ướt, bụi bẩn bám nhiều và cần được thay thế ngay để tránh tình trạng xe dao động rất lâu mà không tắt, gây nên hiện tượng xóc, bập bềnh khiến người ngồi trên xe khó chịu.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 8

 

Thanh ổn định

 

Hư hỏng của thanh ổn định chủ yếu là nát các gối tựa cao su, giảm độ cứng, hư hỏng các đòn liên kết. Hậu quả của các hư hỏng này cũng tương tự như của bộ phận đàn hồi , nhưng xảy ra khi ôtô nghiêng hay xe chạy trên đường có dạng " sóng ghềnh " .

 

Tiếng ồn, gõ ở mọi tốc độ hay ở một vùng tốc độ nào đó. Rung động ở khu vực bánh xe hay trong thùng xe, chiều cao thân xe bị giảm, thân xe bị xệ, vênh. Giảm khả năng bám dính trên đường, tăng mài mòn lốp, hoặc mài mòn lốp không đều. Xe không có khả năng ổn định hướng chuyển động, lái nặng, quá nóng ở vỏ giảm chấn, có dầu chảy trên vỏ giảm chấn.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 9

 

Nhíp và lò xo của hệ thống treo

 

Nhíp và lò xo của hệ thống treo trên ô tô thường bị oải hoặc yếu qua một thời gian sử dụng, nhất là với những xe thường xuyên bị quá tải, các phần tử đàn hồi của hệ thống treo sẽ bị mỏi, giảm khả năng đàn hồi và độ cứng. Khi đó, xe không còn êm dịu như trước do khả năng hấp thụ mấp mô mặt đường trở nên kém vì nhíp lúc này đã bị võng, lò xo bị chùn khiến chiều cao gầm xe giảm. Để tránh xảy ra tình trạng gãy nhíp (lò xo) hoặc thậm chí hỏng hóc lây lan sang cả bộ phận giảm chấn và một số phần tử khác, bạn cần đem xe đi kiểm tra và thay mới kịp thời chứ không để hiện tượng này lâu dài.

 

Bộ phận dẫn hướng

 

Trong sử dụng hư hỏng hoặc sai lệch kết cấu bộ phận dẫn hướng hay gặp là mòn các khớp trụ, khớp cầu, biến dạng đòn giằng, bệ đỡ, bệ xoay, dầm cầu, nhíp lá, quang treo, sai lệch các thông số cấu trúc, các chỗ điều chỉnh, vấu giảm va, vấu tăng cứng,..

 

Các hư hỏng này sẽ làm cho bánh xe mất quan hệ động học, động lực học đúng, gây nên mòn nhanh lốp xe, mất khả năng ổn định chuyển động, mất tính dẫn hướng của xe,.. Tùy theo mức độ hư hỏng mà biểu hiện của nó rõ nét hay mờ 

 

Làm sao để duy trì sự ổn định của hệ thống treo?

 

Việc duy trì sự ổn định của hệ thống treo trên chiếc xe của bạn nhằm đảm bảo sự an toàn khi bạn vận hành chiếc xe của mình trên đường. 

 

  • Kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các chi tiết khác nhau của hệ thống treo như: phuộc, rotuyn trụ, rotuyn thanh cân bằng… Đây là việc nên thực hiện thường xuyên sau mỗi lần bạn thay nhớt định kỳ cho chiếc xe của mình.
  • Kiểm tra các cao su giảm chấn như: cao su càng A, cao su thanh cân bằng, cao su giảm chấn phuộc, bát bèo phuộc…
  • Kiểm tra sự nứt gãy chụp bụi phuộc, bong tróc cao su, rò rỉ dầu phuộc hay bất cứ sự mất mát chi tiết nào trên hệ thống treo.
  • Kiểm tra bất kỳ các mảnh vụn hay sự rò rỉ dầu nào có trên các cao su giảm chấn. Sự rò rỉ dầu nên được khắc phục sửa chữa ngay lập tức.
  • Kiểm tra các rotuyn, các vị trí liên kết với thanh cân bằng hay cả với rotuyn lái ngoài.
  • Nếu có bất kỳ dầu mỡ nào bám trên chiếc xe của bạn, hãy chắc rằng mỡ được bơm vào vị trí cần thiết mỗi đợt bảo dưỡng định kỳ.
  • Kiểm tra sự rò rỉ dầu của các phuộc giảm chấn, các rotuyn. Nếu có bất kỳ chi tiết nào của hệ thống treo có dầu bám, chúng nên được thay thế nhanh chóng.
  • Kiểm tra độ nảy của phuộc và lò xo giảm xóc. Một hệ thống treo tốt, ổn định thường nẩy hai lần. Nếu chúng nảy nhiều hơn hai lần, bạn nên thực hiện thay thế các chi tiết cần thiết như cao su hay phuộc… vì dấu hiệu này cho thấy chúng đã bị mòn nhiều.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 10

 

Cách phát hiện lỗi trên hệ thống treo của xe ô tô

 

Hệ thống treo trên xe ô tô cần thường xuyên được kiểm tra bởi đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp mỗi khi thay dầu. Tuy nhiên, nhiều lái xe kinh nghiệm về ô tô sẽ nhận biết được các dấu hiệu trục trặc trên hệ thống treo. Khi đó, xe sẽ phát ra những âm thanh lạ và các dấu hiệu thông thường khác.

 

Lái thử xe ô tô

 

Hãy lái thử xe 1 lần và chú ý tập trung cao độ nhất có thể để phát hiện ra lỗi. Hạ cửa sổ xe xuống và cố gắng chú ý vào bất kỳ tiếng ồn nào phát ra từ xe. Nếu lái xe nghe thấy bất kỳ một âm thanh nào đó, hãy tập trung tìm kiếm nơi chúng phát ra. Một số âm thanh lạ phát ra từ hệ thống treo của ô tô như:

 

– Âm thanh như tiếng gõ cửa (cộc cộc): Âm thanh này xảy ra khi có va chạm mạnh và báo hiệu thanh chống hoặc đinh tán thanh chống, hoặc khớp bi có vấn đề.

 

– Âm thanh liên tục: Âm thanh ổn định và càng ngày càng to khi xe di chuyển nhanh hơn. Điều này xảy ra khi vòng bi bánh xe trục trặc hoặc nguyên nhân xuất phát từ lốp xe.

 

– Âm thanh huyên náo (leng keng): Âm thanh nghe như có va chạm mạnh giữa các thanh kim loại, có thể xuất phát do trục trặc từ bu lông hoặc các chi tiết đầu nối bị hỏng.

 

Nhún mạnh xe ô tô

 

Hãy chắc chắn để động cơ xe nguội hẳn, tầm 30 phút sau khi lái thử là đủ, trước khi bắt đầu kiểm tra xe. Đeo găng tay và chuẩn bị các vật dụng cần thiết. Cẩn thận đặt chắc tay vào chỗ giao nhau của mui xe và chắn bùn, ấn mạnh vào hệ thống treo đến khi xe nảy mạnh lên. Trong lúc đó, nếu lái xe quan sát thấy xe nảy đều thì đây là tín hiệu tốt báo hiệu thanh chống vẫn hoạt động tốt. Bằng cách này, lái xe nên cố gắng kiểm tra thanh chống tại 4 góc xe để xem chúng có trục trặc nào không.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 6

 

Kiểm tra độ rung của bánh xe

 

Sử dụng kích nâng góc xe lên tầm vừa đủ để lốp xe không chạm đất nhưng vẫn đảm bảo xe đứng an toàn.Giữ chặt lốp xe và bắt đầu lắc mạnh bánh xe tay đặt theo hướng 9h - 3h và 12h - 6h. Nếu thấy có bất cứ chuyển động nào khác thường từ bánh, có thể một số chi tiết nào đó của xe đã bị bào mòn.

 

Chú ý các chuyển động khác thường có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nên bạn cần kiểm tra và có các phán đoán chính xác.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô - 5

 

Lời khuyên cho bạn:

 

- Cách tốt nhất là kiểm tra lái thử xe cùng 1 người có kiến thức về các chi tiết của xe. Nên sử dụng đèn pin để quan sát phía sau bánh xe nhằm phát hiện các chi tiết bị lỗi, và cách tốt nhất là nên sờ hẳn vào các chi tiết đó. Tuy nhiên, hãy coi chừng các vết dầu bẩn có thể dính vào người.

 

- Bạn nên cẩn thận kiểm tra lốp xe ô tô. Lốp bị ăn mòn quá sẽ gây ra tiếng kêu và khiến xe không thể điều khiển được như theo ý muốn. Do vậy, bạn nên kiểm tra kỹ.

 

- Nếu bạn tin rằng mình đã tìm ra nguyên nhân của lỗi trên hệ thống treo thì nên đánh xe đến tìm sự trợ giúp của các garage uy tín với đội ngũ chăm sóc và bảo dưỡng ô tô chuyên nghiệp và tiến hành sửa chữa kịp thời.

 

Sửa chữa bảo dưỡng hệ thống treo trên xe ô tô

 

Hãy liên lạc với chúng tôi Anycar ngay khi bạn có bất kỳ thắc mắc nào? Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ, chia sẻ mọi việc cùng các bạn!

 

Chúng tôi rất vui khi được phục vụ các bạn, hãy liên lạc với chúng tôi theo số Hotline: 18006216

ANYCAR.VN BÁN BẢO HIỂM Ô TÔ NHANH NHẤT, RẺ NHẤT
(Ở HÀ NỘI VÀ HỒ CHÍ MINH VỚI 5 HÃNG BẢO HIỂM)
Vui lòng gọi số 0902262232 để được tư vấn ngay.
Hoặc để lại số điện thoại bên dưới để được tư vấn miễn phí.

   Liên hệ tư vấn
Gọi theo số 0902262232 để nhận tư vấn về mua xe (Miễn phí từ 8h đến 18h)
   Liên hệ tư vấn
Gọi theo số 0902262232 để nhận tư vấn về mua xe (Miễn phí từ 8h đến 18h)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN