Chắc chắn người bán nào cũng muốn nhanh chóng bán được xe cho nên họ sẽ làm lại xe để trông xe có vẻ tốt hơn, tình trạng thực sự của xe sẽ được giấu kín hoặc chỉ chia sẻ rất ít. Do đó, khi đứng trường hợp là người mua xe, bạn nên tìm hiểu chi tiết về xe từ nguồn gốc cho đến quá trình sử dụng, lý do vì sao bán… sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về chiếc xe đó và đưa ra quyết định nhanh hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần cảnh giác với những lời “chào mời” êm tai từ người bán. Hãy tỉnh táo trước những câu trả lời từ người bán, nếu câu trả lời chưa rõ ràng, quá cường điệu về xe hay trả lời vòng vo các vấn đề được hỏi thì cần đặt ra nghi vấn về chiếc xe đó.
Thông qua 10 câu hỏi dưới đây bạn có thể đánh giá được tình trạng chiếc xe ô tô cũ bạn định mua ra sao.
1. Hỏi về nguồn gốc của chiếc xe - Xe có những loại giấy tờ gì đi kèm?
Với quy định hiện hành của pháp luật về việc đi xe chính chủ là điều bắt buộc thì nếu bạn điều khiển một chiếc xe không đúng tên bạn có thể bị xử phạt hành chính. Do đó để yên tâm hơn khi lái xe bạn cần yêu cầu những giấy tờ hợp pháp để sang tên chính chủ. Hồ sơ, giấy tờ của xe càng đầy đủ càng tốt, giấy tờ mua bán xe, sổ bảo dưỡng, sổ đăng kiểm định kỳ sẽ giúp bạn xác định xe đó có chính chủ hay không? Quá trình sửa chữa, thay thế các phụ tùng của xe ra sao từ đó bạn có thể dự tính được chi phí bạn cần bỏ ra cho xe sau này và cũng giúp bạn ước lượng được giá trị xe có phù hợp với giá bán hay không.
2. Vì sao bạn lại muốn bán xe?
Đương nhiên khi cần bán xe thì bất kỳ người chủ xe nào cũng sẽ có một lý do riêng của mình. Trong hầu hết các trường hợp, câu hỏi này sẽ cung cấp cho bạn đánh giá sơ bộ về giá trị tổng thể của chiếc xe.
- Nếu câu trả lời là vì tiền cần bán gấp thì đây là dạng xe bạn có thể thành công mua được chỉ với vài câu hỏi khác về tình trạng xe.
- Cần bán xe vì đổi xe hay không chạy tới nữa v.v… nhưng không gấp: đây thường là những chiếc xe còn tốt và bạn sẽ khó có thể thương lượng được giá thấp hơn vì chủ xe sẵn sàng chờ người mua phù hợp với tiêu chí của họ.
- Cuối cùng, nếu người bán thoái thác hay né tránh trả lời câu hỏi này thì bạn nên cảnh giác vì đây chính là dấu hiệu cho bạn biết rằng chiếc xe đó đang có “vấn đề” và họ đang muốn bán tống, bán tháo chiếc xe đi nhanh. Theo những bác tài có kinh nghiệm lâu năm thì đây là những loại xe cũ các bạn nên tránh mua.
3. Xe đã qua bao nhiêu đời chủ rồi?
Đã là xe cũ thì bạn phải chấp nhận có thể chiếc xe này đã qua khá nhiều đời chủ rồi. Tuy nhiên nếu danh sách chủ xe cũ càng dài thì bạn nên đặt dấu hỏi với chiếc xe đó. Đặc biệt với một chiếc xe đã qua nhiều đời chủ nhưng lại có ngoại thất tương đối ổn và đồng hồ tính quãng đường đi hiển thị km thấp thì bạn nên cẩn thận tìm hiểu kỹ lịch sử sử dụng của xe vì khả năng lớn xe có trục trặc về máy móc, động cơ, dàn lạnh… xe từng xảy ra tai nạn.
4. Xe có từng bị thủy kích hay đậu ngoài trời một thời gian dài hay không?
Thủy kích chính là nổi ám ảnh đối với những người chọn lựa mua xe ô tô cũ. Xe ô tô bị thủy kích có nghĩa là tất cả các bộ phận bao gồm máy móc, động cơ, hệ thống điện của xe đều đã bị ngấm nước, quá trình sử dụng sau này chắc chắn sẽ xảy ra những hư hỏng nghiêm trọng. Chính vì vậy khi có ý định mua xe ô tô cũ bạn đừng để hình thức bóng bẩy đánh lừa thị giác và cảm nhận của bạn mà hãy kiểm tra cẩn thận.
5. Xe được trang bị những gì?
Bạn cần biết chiếc xe là số sàn hay số tự động? Được trang bị bao nhiêu túi khí? Hệ thống điều hòa không khí, hệ thống giải trí như màn hình cảm ứng, âm thanh còn hoạt động tốt không? các thiết bị an toàn như seatbelt, khóa cửa, kính...có ổn không? Xe có được trang bị các tính năng an toàn như hệ thống chống bó phanh, cân bằng điện tử, hệ thống kiểm soát hành trình…
6. Xe đã chạy được bao nhiêu kilomet rồi?
Chỉ số công tơ mét trên đồng hồ là cơ sở giúp bạn đánh giá tình trạng chiếc xe, nếu chỉ số công tơ mét càng lớn thì cho thấy các bộ phận của xe càng bị hao mòn nhiều hơn, chi phí tu sửa, thay thế cũng sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên các chỉ số công tơ mét này chỉ đúng trong trường hợp bạn mua xe từ những người thân, quen, đáng tin cậy như bạn bè… Vì hiện nay các thợ làm xe có thể gian lận chỉ số công tơ mét khá dễ dàng để qua mắt người mua xe cho nên đẩy sẽ chỉ là yếu tố mang tính tham khảo cho bạn.
7. Xe có từng xảy ra tai nạn không?
Để bán được xe nhanh chóng đa phần các chủ xe sẽ không nói sự thật 100% cho bạn. Có thể chủ xe nói giảm nhẹ tình trạng nghiêm trọng đã xảy ra với xe chính vì vậy hãy cân nhắc cho kỹ trước khi bỏ tiền ra tậu một "con xe" từng gặp tai nạn nghiêm trọng. Có những bộ phận như khung xe không thể phục hồi lại trạng thái cũ nếu bị hư hỏng ở một mức độ nào đó. Tốt nhất bạn cần có một người có chuyên môn để đánh giá tình trạng chính xác của xe.
8. Xe có từng được hãng thu hồi để sửa chữa hay không?
Việc thu hồi xe về hãng để sửa chữa sai sót là điều hết sức bình thường. Đây là hành động thể hiện trách nhiệm của hãng đối với những lỗi tìm ra trong quá trình vận hành xe, dù là lỗi nhỏ nhất, để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành xe. Nếu có xảy ra thu hồi xe về hãng thì đều được ghi trong hồ sơ của xe. Bạn có thể truy cập vào website của hãng để tra cứu lịch sử thu hồi dựa theo số khung (VIN) của xe. Tuy nhiên nếu một chiếc xe có lịch sử thu hồi nhiều lần thì cũng là yếu tố nên cân nhắc. Tại Việt Nam cũng rất hiếm trường hợp hãng recall xe về để sửa lỗi nhưng không phải là không có, đơn cử như Toyota Vios bị triệu hồi lỗi túi khí, Mazda 2 triệu hồi lỗi “cá vàng”…
9. Tôi có thể mang xe đến một bên thứ ba hay một người có chuyên môn để kiểm tra hay không?
Bạn có thể nhờ người có chuyên môn hoặc đem xe tới các gara để kiểm tra. Nếu tình trạng xe không có gì đáng ngại thì người chủ xe chắc chắn sẽ không từ chối yêu cầu này của bạn, còn ngược lại nếu chủ xe cố tình lảng tránh hoặc không đồng ý thì tốt nhất bạn không nên mua những chiếc xe như thế.
10. Tôi có thể lái thử xe hay không?
Nếu đã lựa chọn mua xe cũ bạn không nên bỏ qua điều này. Và chắc chắn 100% chủ xe đều sẽ đồng ý cho bạn lái thử. Bạn hãy lái thử trên nửa tiếng với nhiều địa hình và tốc độ khác nhau. Có thể để cố vấn chuyên môn lái cùng với bạn để dễ dàng nhận xét.
Sau khi đã trải qua 10 câu hỏi và quá trình kiểm tra, đánh giá xe, bạn có thể thương lượng giá cả với chủ xe. Thông thường giá rao bán và giá mà mua thực tế sẽ có sự chênh lệch từ vài triệu đến vài chục triệu tùy dòng xe. Chúc bạn sẽ đàm phán thành công chiếc xe ưng ý cho mình.