Kinh nghiệm độ đèn xe ô tô, chủ xe cần lưu ý

Tư vấn - Đánh giá

Vì sự quan trọng của hệ thống đèn nên nhiều chủ xe không ngại việc chi tiền cho việc độ đèn ô tô khi khả năng chiếu sáng của đèn nguyên bản chưa tốt. Độ đèn ô tô không chỉ vì muốn có sự đảm bảo an toàn, một trải nghiệm lái tốt nhất mà còn là nơi thể hiện cá tính của bản thân các chủ xe.

 

Các loại đèn trên xe ô tô

 

#Tham khảo thêm tin liên quan đến đèn xe ô tô: 

 

 

Vì sao nhiều người độ đèn xe ô tô?

 

Hệ thống đèn của các dòng ô tô phổ thông hiện nay thường được tối ưu chi phí nhằm đáp ứng một mức giá tốt cho người dùng. Do đó, các hệ thống chiếu sáng này thường bị đánh giá chưa tốt, nhất là khi đi vào những cung đường thiếu nhiều ánh sáng.

 

Hơn nữa, kiểu thiết kế của đèn xe cũng ít được trau chuốt, vì vậy nhiều chủ xe chọn giải pháp độ đèn ô tô. Nhằm mục đích cải thiện độ chiếu sáng của xe, thay đổi sắc diện cho xe trông sang trọng hơn, thể thao hơn hay cá tính hơn tùy vào ý chí của chủ xe.

 

Hiện nay, các mẫu xe ô tô mới ra mắt thì phiên bản tiêu chuẩn (bản thấp nhất) hầu hết đều sử dụng đèn Halogen, loại đèn này được nhiều chủ xe cho là không đủ sáng, không cung cấp đủ tầm nhìn khi di chuyển vào ban đêm hoặc điều khiển phương tiện lúc thời tiết xấu. Vậy đèn Halogen có thực sự không tốt? Cấu tạo của loại đèn này như thế nào?

 

Đèn Halogen tiêu chuẩn trên xe ô tô

 

Là dạng bóng đèn sợi đốt nhưng được nâng cấp nhờ khí Halogen và thường được sử dụng phổ biến cho xe ô tô, được gọi là đèn Halogen. Tuy nhiên, do có nhiều nhược điểm nên dạo gần dạng bóng đèn này đang dần được thay thế bằng đèn LED

 

Đèn Halogen

 

Cấu tạo đèn Halogen

 

Đèn Halogen có cấu tạo từ sợi Vonfram (chất hiếm) và một số lượng khí Halogen nhỏ như: Brom, lot và hỗn hợp khí trơ. Tất cả được để trong bầu thủy tinh nhỏ.

 

Nguyên lý hoạt động: Khi các khí Halogen gặp Vonfram sẽ tạo một phản ứng hóa học có tác dụng bổ sung thêm Vonfram cho dây tóc. Từ đó, duy trì độ sáng và độ trong suốt của bóng đèn.

 

Nhược điểm

 

  • Hiệu suất chiếu sáng của đèn thường bị ảnh hưởng bởi hơi ẩm.
  • Lượng nhiệt tỏa ra lớn vì dây tóc của đèn Halogen cần tới 2.500 độ C để có thể phát sáng
  • Ánh sáng của đèn Halogen bị giới hạn vì cần lượng nhiệt lớn để phát sáng nên năng lượng hầu hết đều chuyển thành nhiệt năng thay vì quang năng.

 

Sau nhiều năm được đưa vào lắp đặt cho bản tiêu chuẩn của đa số các hãng xe. Halogen đang dần bộc lộ ra những mặt yếu kém. Các chủ xe cũng đang dần tìm kiếm những giải pháp mới cho “xế cưng” bằng những loại đèn có công nghệ hiện đại hơn. Vậy những loại đèn đó là gì? Hãy cùng Anycar tìm hiểu ngay sau đây.

 

Những loại đèn thường dùng cho việc độ đèn ô tô

 

Nhằm đáp ứng nhu cầu về an toàn, đảm bảo ánh sáng khi đi vào những đoạn đường thiếu ánh sáng. Các chủ xe thường lựa chọn những loại đèn sau để thực hiện việc độ đèn xe.

 

Đèn LED ô tô

 

Lighting Emitting Diode (LED) là loại đèn được sản xuất dựa trên công nghệ bán dẫn. Hiện nay, đèn LED rất được ưa chuộng bởi hiệu suất phát sáng tốt và đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Đèn LED đang dần được các nhà sản xuất ô tô lựa chọn làm loại đèn thay thế cho đèn Halogen.

 

Cấu tạo của đèn LED gồm nhiều chip LED, mỗi chip LED là một Diode bán dẫn. Diode lại có cấu tạo là khối bán dẫn loại N ghép với khối bán dẫn loại P, nối với chân ra Cathode và chân ra Anode cho dòng điện 1 chiều chạy qua.

 

Nguyên lý hoạt động là chip LED giải phóng quang năng dựa trên nguyên lý lỗ trống và điện tử tự do tạo nên sự chuyển động. Người ta thường ghép nhiều đèn LED với nhau tạo thành cụm hay dải đèn LED.

 

Độ đèn LED cho ô tô

 

Ưu điểm và nhược điểm của đèn LED

 

Đèn LED có nhiều ưu điểm:

 

  • Năng lượng tiêu thụ nhỏ, ít tỏa nhiệt
  • Cung cấp ánh sáng định hướng giúp định vị tốt hơn
  • Tuổi thọ lên tới 50.000h bật tắt
  • Dễ dàng thiết kế, tạo hình nhờ kích thước nhỏ
  • Khả năng phát sáng cực nhanh

 

Tuy vậy, cũng có vài nhược điểm ở loại đèn này:

 

  • Dễ hỏng nếu gặp nhiệt độ cao
  • Chi phí lắp đặt cao hơn

 

Đèn bi LED ô tô

 

Các chuyên gia không khuyến khích việc thay bóng Halogen bằng bóng LED mà chỉ nên áp dụng đối với các xe có sẵn Projector. Chóa đèn truyền thống khi kết hợp với bóng LED sẽ làm tản xạ nguồn sáng và gây chói mắt cho người đi đối diện. Thay vào đó hãy sử dụng bi LED có cấu tạo phù hợp hơn.

 

Cấu tạo của đèn bi LED là loại đèn được tích hợp sẵn chóa mini và thấu kính gương cầu (Projector). Chóa đèn giúp ánh sáng phản xạ đều, luồng sáng tập trung và chiếu xa hơn. Thấu kính gương cầu làm biến đổi chùm sáng thành chùm tia phản xạ hội tụ giúp ánh sáng tập trung và đi xa hơn.

 

Mẫu đèn Bi LED độ trên ô tô

 

Vì có sẵn Projector và chóa mini và được nhà sản xuất tính toán chuẩn các thông số nên bi LED thường có giá thành cao hơn đèn LED, giá dao động từ 8 triệu - 14 triệu VNĐ/ 1 cặp. 

 

Đèn Xenon (HID) ô tô

 

High Intensity Discharge (HID) hay còn gọi là đèn Xenon là một loại đèn cho một cường độ ánh sáng cực kì cao.

 

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của đèn Xenon: Gồm một ống thủy tinh thạch anh chứa khí Xenon và muối kim loại, cho 2 dòng điện đi qua. Khi 2 dòng điện chạy qua, 2 điện cực sẽ phóng điện kích thích những phân tử khí Xenon phóng thích năng lượng, gây bức xạ ánh sáng.

 

Độ đèn Xenon (HID)

 

Ưu điểm của đèn Xenon:

 

  • Cường độ sáng rất cao ( gấp từ 3-4 lần đèn Halogen, 1-2 lần đèn LED)
  • Tuổi thọ cao
  • Tiêu thụ ít điện năng hơn đèn Halogen

 

Nhược điểm:

 

  • Chi phí sản xuất cao, khó bảo dưỡng
  • Khả năng phát sáng chậm từ 3-5 giây, cần có thêm Ballast
  • Dễ khiến người đi đối diện chói mắt, cần thêm Projector

 

Giá của bóng pha Xenon hiện nay dao động từ 2 triệu - 8 triệu VNĐ/ cặp và đã có kèm theo Ballast. Đối với các dòng xe không có sẵn Projector nên mua thêm một bộ bi Xenon.

 

Đèn bi Xenon ô tô

 

Cũng có cấu tạo tương tự như đèn bi LED, nhưng đèn bi Xenon sử dụng nguồn sáng từ đèn Xenon.  Một bộ bi Xenon được tạo thành từ chóa mini phía sau, tiếp theo là tới tim đèn Xenon, thấu kính Projector phía ngoài cùng và một bộ chuyển đổi pha/ cos (nếu có dùng chung). 

 

Giá thành của một bộ bi Xenon thường dao động ở mức từ 4 triệu - 15 triệu VNĐ và có kèm theo Ballast.

 

Đèn LASER ô tô

 

Độ đền Laser cho ô tô

 

“Light Amplification by Stimulated Emission of Radiation” ( LASER) được hiểu là sự khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ kích hoạt. Có thể hiểu đơn giản rằng ánh sáng của đèn LASER ô tô được tạo ra dựa vào sự khuếch đại ánh sáng bằng bức xạ phát ra.

 

Cấu tạo của đèn LASER gồm:

 

  • Nguồn bơm ( nguồn năng lượng): Cung cấp năng lượng cho cả hệ thống
  • Môi trường LASER (môi trường kích): Ảnh hưởng tới tính chất cũng như bước sóng của LASER
  • Gương hoặc hệ thống gương: Có tác dụng khuếch đại ánh sáng LASER. 

 

Nguyên lý hoạt động: Gom tia sáng chiếu thẳng tới 1 tụ điểm, càng xa càng khuếch tán. Chính vì thế, tia LASER có thể chiếu xa lên đến 0,4 km góp phần đảm bảo an toàn hơn nhất là những đoạn đường thiếu ánh sáng.

 

Giá của độ đèn LASER hiện nay dao động từ 20 triệu - 70 triệu VNĐ/ 1 cặp. Ngoài ra, bộ đèn này còn yêu cầu kỹ thuật lắp đặt khá cao nên việc độ đèn LASER cho ô tô ở Việt Nam đang còn là khá hiếm.

 

Ưu điểm: 

 

  • Cường độ ánh sáng mạnh, tầm sáng xa
  • Ít tiêu hao điện năng
  • Có tính thẩm mỹ cao

 

Nhược điểm:

 

  • Có mức giá cao
  • Yêu cầu kỹ thuật cao khi lắp đặt
  • Cần đầu tư thêm bộ tản nhiệt vì mức tỏa nhiệt lớn
  • Không thể đảm nhận cùng lúc 2 chức năng pha và cos

 

Độ đèn ô tô tại những bộ phận nào

 

Hiểu rõ về đèn nguyên bản của xe đang được hãng trang bị cho xe để từ đó biết được “ xế cưng” đang cần và thiếu điều gì cũng là điều cần lưu ý khi muốn thực hiện việc độ đèn xe ô tô. Để hiểu rõ về điều đó hãy cùng Anycar tìm hiểu ngay sau đây.

 

Đèn pha ô tô

 

Cụm đèn pha được ví như “đôi mắt” của chiếc xe. Bởi vì đây không chỉ có vai trò lớn trong chiếu sáng, đèn pha còn ảnh hưởng rất lớn tới mặt thiết kế cũng như tính thẩm mỹ của đầu xe và cả chiếc xe.

 

Vì lý do đó, trong việc độ đèn ô tô, đèn pha vẫn là bộ phận được các chủ xe đầu tư nhiều nhất. Với ý muốn vừa có được ánh sáng tốt giúp đảm bảo tầm nhìn, vừa giúp chiếc xe trông đẹp hơn, hợp ý chủ xe hơn.

 

Cấu tạo của đèn pha ô tô truyền thống có cấu tạo đèn pha gồm 2 bộ phận chính: nguồn sáng (tim đèn) và chóa đèn. Với đèn pha có thêm Projector thì cấu tạo bao gồm: nguồn sáng, chóa đèn mini, bộ chuyển đổi pha/ cos (nếu có), bi cầu Projector.

 

Nguyên lý hoạt động là ánh sáng đi qua chóa đèn giúp ánh sáng tập trung, tăng độ sáng và tản sáng đều.

 

Các loại đèn pha thường gặp: 

 

  • Đèn Halogen
  • Đèn bi LED
  • Đèn bi Xenon

 

Các kiểu độ đèn pha ô tô:

 

Tại các gara hiện này có rất nhiều kiểu độ đèn pha ô tô. Sau đây là một số kiểu độ đèn pha thường gặp.

 

  • Độ bóng đèn Halogen tăng sáng

 

Trên thị trường phụ tùng ô tô hiện nay cũng đang xuất hiện loại bóng đèn Halogen tăng sáng. Chủ xe có thể cân nhắc độ đèn ô tô bằng loại đèn Halogen tăng sáng này, vì đây là loại bóng cho ra hiệu năng phát sáng lớn hơn bóng đèn Halogen thường lên tới 1,3 lần. Giá thành của loại đèn này thường dao động từ mức 700.000 VNĐ - 1 triệu VNĐ/ 1 cặp.

 

  • Độ bóng đèn LED, đèn Xenon

 

Cách độ đèn pha này thực sự đơn giản vì chỉ cần thay thế bóng nguyên bản bằng một trong 2 loại bóng LED hoặc bóng Xenon. Tuy nhiên, khi lắp đặt 2 loại bóng này cần bi cầu Projector (đèn Xenon cần thêm Ballast để kích sáng nhanh và đảm bảo độ ổn định)  vì khi chỉ được trang bị chóa đèn truyền thống sẽ dễ làm ánh sáng tán xạ nhiều, luồng ánh sáng phát ra không tập trung.

 

Điều này gây ra tác hại cho cả người lái và người đi đối diện. Với người ngồi trong ghế lái sẽ thấy ánh sáng không đi xa, không tập trung dẫn tới ánh sáng không được cải thiện nhiều. Đối với người đối diện sẽ thấy chói, lóa dễ gây nguy hiểm.

 

  • Độ bi LED, bi Xenon

 

Cách độ đèn ô tô này yêu cầu phải tháo toàn bộ cụm đèn pha, sau đó thay thế bằng bộ đèn bi LED, hoặc bi Xenon. Đây cũng là phương pháp độ đèn đòi hỏi tay nghề của người thợ vì khi lắp cần “mổ đèn”, định hình lại chóa, bơm keo, lắp giá đỡ,...Hơn nữa, giá cả của loại bi LED và bi Xenon hiện nay cũng không hề rẻ. Tổng chi trả cho cả bộ đèn và công lắp đặt có thể lên tới hơn 10 triệu VNĐ.

 

Cân nhắc giữa bi LED và bi Xenon thì cần lưu ý: Cường độ ánh sáng của bi Xenon mạnh hơn, tính thẩm mỹ cũng cao hơn. Tuy không hơn về mặt cường độ ánh sáng, tính thẩm mỹ nhưng đèn LED và bi LED có giá thành thấp hơn. 

 

Đèn gầm ô tô

 

Đèn gầm (đèn sương mù, đèn phá sương mù) được bố trí gần cản trước và cản sau xe (đa số xe phổ thông chỉ được trang bị ở cản trước) có vai trò chiếu sáng cho người lái, báo hiệu cho người đi đối diện trong các điều kiện thiếu sáng như: sương mù,...

 

Ưu điểm là được trang bị ở dưới gầm xe nên tầm chiếu sáng thấp, không gây chói mắt cho người đi chiều ngược lại.

 

Đối với xe không được trang bị đèn gầm ở cản sau có thể cân nhắc độ thêm đèn gầm phía sau, nhằm giúp người đi phía sau dễ nhận biết hơn trong điều kiện thiếu sáng.

 

Độ đèn Bi gầm cho ô tô

 

Các kiểu độ đèn gầm ô tô:

 

  • Độ bi LED gầm

 

Đây là cách phổ biến nhất trong việc độ đèn gầm ô tô bởi vừa có khả năng cho ánh sáng tốt, vừa có mức giá hợp lý. Độ đèn gầm có thể độ kết hợp 2 kiểu màu trắng và vàng với 2 tác dụng khác nhau. Màu vàng có thể dùng trong điều kiện sương mù nhằm phá sương, màu trắng dùng trong điều kiện thiếu sáng.

 

Độ đèn bi LED gầm có 2 kiểu: Độ 1 bóng bi LED và độ 1 bóng bi LED kết hợp với vòng mí LED ở ngoài. Vòng mí LED chỉ mang tính chất thẩm mỹ, có thể bật riêng vào ban ngày để định vị.

 

  • Độ bi Xenon gầm

 

Đèn bi Xenon gầm có độ sáng rất lớn cho nên thường được gọi là đèn gầm siêu sáng. Độ đèn gầm bi Xenon vẫn có thể tích hợp chế độ tùy chỉnh pha/ cos để có thể linh hoạt hơn ở từng cung đường khác nhau. Khi lắp bi Xenon vẫn cần chấn lưu Ballast nhằm kích sáng nhanh và đảm bảo độ ổn định ánh sáng.

 

Đối với đèn gầm phía đuôi xe, vị trí nên dùng ánh sáng đỏ từ đèn LED với dải LED nhỏ. Không nên dùng LED trắng hay vàng vì sẽ gây ảnh hưởng tới tầm nhìn của người lưu thông phía sau.

 

Đèn mí mắt ô tô

 

Đèn mí mắt ô tô còn được biết với tên gọi là đèn demi, đèn định vị ban ngày. Một loại đèn có công suất thấp và được sử dụng nhằm mục đích định vị, giúp những xe chạy ngược chiều nhau có thể nhận diện, quan sát nhau trong điều kiện tầm nhìn không tốt vào ban ngày như: trời âm u, sương mù, mưa…Ngoài ra, đèn mí còn mang tính chất trang trí cho xe.

 

Trong trường hợp chủ xe không hài lòng với kiểu thiết kế cũng như hiệu năng phát sáng của đèn mí nguyên bản hoặc xe chưa được trang bị đèn mí  thì chủ xe có thể cân nhắc việc độ đèn mí.

 

Độ đèn mí mắt (đèn Demi) ô tô

 

Các kiểu độ đèn mí:

 

Đèn demi không yêu cầu độ sáng quá cao như đèn pha hay đèn gầm. Do đó, đèn mí hiện nay thường được lắp đặt bằng đèn LED. Bởi chip LED có cấu tạo nhỏ, dễ tạo thành những dải đèn LED theo ý thích, đèn LED cũng mang đến tính thẩm mỹ cho xe.

 

Các kiểu độ mí LED ô tô phổ biến:

 

Lắp đèn mí LED chung với cụm đèn chính: Kiểu lắp đặt này là phổ biến nhất trong độ đèn mí ô tô. Trong đó, có các vị trí lắp đặt sau.

 

  • Đèn ở dạng ống LED chạy viền trên hoặc dưới hoặc  bao quanh cả viền trên và dưới
  • Đèn ở dạng khối LED nhiều dải sọc, lắp ở hốc bên trong của cụm đèn chính
  • Đèn vòng tròn LED bảo quanh đèn pha. Khi chọn kiểu này đa phần sẽ kết hợp thêm 1 dải LED viền trên hoặc viền dưới.

 

Lắp đèn mí chung với hốc đèn sương mù: Thông thường sẽ là một dải viền góc trên hoặc góc dưới của hốc đèn sương mù. Phổ biến nhất vẫn là góc dưới hoặc góc trên bên phải.

 

Độ đèn Demi cho hốc đèn sương mù trên ô tô

 

Lắp đèn mí rời: Một số xe không được bố trí sẵn đèn mí rời thì việc độ đèn mí rời sẽ dễ dẫn tới cải biến, thay đổi kết cấu xe. Đó lại là vấn đề hạn chế  khi độ xe.

 

Chủ xe có thể kết hợp các kiểu độ xe với nhau. Tuy nhiên cần tránh rườm rà, mất thẩm mỹ và quan trọng là phát sinh nhiều chi phí không cần thiết. 

 

Các loại đèn mí phổ biến:

 

  • Đèn mí LED dây ống tròn
  • Đèn mí LED dây đốt
  • Đèn mí LED khối

 

Đèn mí LED phổ biến với 2 màu trắng và xanh. Tuy nhiên, chủ xe vẫn có thể lựa đèn LED có thể thay đổi màu sắc dựa theo ý thích.

 

Đèn xi nhan ô tô

 

Còn được biết đến với cái tên là đèn báo rẽ, đèn xi nhan đảm nhận vai trò thông báo cho những người tham gia giao thông xung quanh hướng di chuyển tiếp theo của xe. Thường được bố trí tại nhiều vị trí khác nhau nhưng hai vị trí quan trọng nhất là tại đầu xe và đuôi xe. 

 

Độ đèn LED cho xi nhan ô tô

 

Đèn xi nhan thường được dùng là đèn sợi đốt, đèn Halogen, cao cấp hơn là đèn LED. Nhưng đèn LED chỉ có ở những xe cao cấp, vì thế các chủ xe thường chọn phương pháp độ đèn LED cho xi nhan nhằm tăng tính thẩm mỹ và độ sáng.

 

Các kiểu độ xi nhan

 

Cũng như đèn mí mắt, độ đèn xi nhan cũng có sự lựa chọn tối ưu nhất là dùng đèn LED. Có nhiều kiểu độ đèn LED xi nhan như:

 

  • Độ đèn xi nhan bóng độc lập: Cách này chỉ cần thay thế bóng đèn cũ bằng bóng LED
  • Độ đèn xi nhan tích hợp đèn mí:  Đèn mí LED hiện nay có thể tùy chọn  2 chế độ là định vị ban ngày và khi bật báo rẽ chuyển sang màu vàng nhấp nháy. Khi độ mí LED có thể tích hợp loại 2 trong 1 này.
  • Độ đèn xi nhan ở gương chiếu hậu: có thể lắp thêm hoặc thay toàn bộ gương bằng kiểu LED đồng bộ với cụm đèn trước.

 

Đèn hậu ô tô

 

Đèn hậu có vai trò làm định vị cho xe, giúp cho tài xế phía sau giữ khoảng cách với xe phía trước. Những xe phổ thông giá rẻ thường dùng loại đèn Halogen, các mẫu cao cấp hơn thường dùng loại đèn LED. Có rất nhiều kiểu độ đèn hậu, nhưng rất hiếm gặp trường hợp độ đèn Xenon, bi Xenon hay bi LED bởi đèn hậu chỉ yêu cầu lượng ánh sáng vừa phải. Cho nên cần tránh những loại đèn trên để không gây chói lóa dẫn tới cản trở tầm nhìn cho xe phía sau.

 

Độ đèn hậu LED cho ô tô

 

Các kiểu độ đèn hậu

 

  • Thay bóng đèn hậu: Nếu xe sử dụng bóng Halogen thì chỉ cần thay bằng bóng LED.
  • Thay mới cả cụm đèn: dành cho những chủ xe muốn nâng cấp lên đèn LED có đồ họa, tạo hình phức tạp thì bắt buộc phải thay cả cụm đèn hậu. Tuy nhiên, chi phí khá đắt đỏ có thể lên tới vài chục triệu.

 

Những mẫu đèn hậu LED hiện nay đa số lấy nguồn cảm hứng từ các dòng xe hạng sang, cho cảm giác sang trọng, bắt mắt.

 

Độ đèn cảnh báo lùi

 

Đèn cảnh báo lùi hay đèn báo hiệu số lùi của ô tô thường có vị trí nằm cùng với đèn hậu. Đúng như tên của nó, hệ thống đèn này giúp người đi phía sau nhận biết một chiếc xe chuẩn bị hoặc đang lùi. 

 

Độ đèn lùi có thể lựa chọn giữa đèn LED hoặc Halogen tăng sáng. Theo các chuyên gia thì chỉ nên thay bóng, không nên thêm hoặc bớt ở các vị trí, có thể dẫn tới việc bị từ chối đăng kiểm.

 

Độ đèn trợ sáng ô tô

 

Là một kiểu đèn được lắp đặt nhằm hỗ trợ ánh sáng cho đèn pha chính. Đây là một loại đèn LED dạng thanh từ 20cm - 80cm được gọi là LED bar. LED bar thường được lắp ở đầu xe, hông xe hoặc đuôi xe. Giá một bộ LED bar giao động từ vài trăng tới vài triệu VNĐ.

 

Hệ thống đèn này có ánh sáng mạnh, tán xa và rộng, không bám đường như đèn pha. Do đó, cần sử dụng loại đèn này đúng cách, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho người đối diện, tốt nhất là không nên dùng trong đường phố thông thường.

 

Độ đèn trần ô tô

 

Độ đèn LED trần trên ô tô

 

Đèn trần có vai trò cung cấp ánh sáng cho khoang lái và khoang hành khách. Đèn trần nguyên bản thường có ánh sáng khá yếu và chưa thực sự đủ cho cả 2 hàng ghế trước và sau. Vì thế nhiều chủ xe muốn nâng cấp hệ thống đèn này.

 

Các kiểu độ đèn trần:

 

  • Thay bóng đèn trần: Hiện nay, trên thị trường có bán các mẫu ốp đèn trần ô tô bóng LED. Khi lắp chỉ cần tháo bộ đèn trần cũ, thay vào đó là bộ mới. Giá các bộ này vào khoảng 200.000VNĐ.
  • Độ LED trần sao: Lấy cảm hứng từ các dòng xe sang, siêu sang. Kiểu đèn trần này mục đích chính không để cung cấp ánh sáng mà chủ yếu để trang trí nội thất. Giá của một bộ đèn LED trần sao ô tô giao động từ 5 triệu - 8 triệu VNĐ.
  • Độ LED viền trần xe: Có thể lắp các ống LED chạy viền trần xe. Kiểu này phổ biến với xe khách.

 

Độ đèn nội thất ô tô

 

Hệ thống đèn nội thất thường chỉ có trên các dòng xe hạng sang như Audi, BMW, Mercedes,... Tuy nhiên, nếu chủ xe muốn vẫn có thể lắp thêm hệ thống đèn nội thất vào chiếc xe của mình.

 

Độ đèn LED cho nội thất ô tô

 

Độ đèn nội thất thường dùng chỉ LED là các ống dây dài mảnh ở các vị trí như: taplo, ốp cửa, bệ trung tâm,...Trọn bộ đèn LED nội thất hiện nay có giá khoảng từ 1.5 - 5 triệu VNĐ.

 

Kinh nghiệm độ đèn ô tô

 

Độ đèn như thế nào để không vi phạm quy định

 

Như ở những thông tin trên, các trường hợp lắp thêm đèn khác ngoài hệ thống đèn ban đầu của nhà sản xuất đều sẽ bị phạt. Cụ thể là việc lắp thêm đèn trợ sáng bằng LED bar, đèn lùi (ở vị trí ngoài vị trí đèn nguyên bản),...Quy định hiện hành vẫn chưa nói về việc thay đổi bóng đèn.

 

Cần hiểu rõ quy định của nhà nước về hệ thống đèn như sau. Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 VNĐ - 1 triệu VNĐ với các hành vi vi phạm: “ Điều khiển xe lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả 2 bên thành xe”.

 

Ngoài ra, chủ xe còn chịu mức hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng - 3 tháng. Bị thu giữ hoặc bắt buộc tháo dỡ các thiết bị vi phạm. Hơn nữa sẽ bị từ chối khi đi đăng kiểm.

 

Không nên tự độ đèn xe ô tô tại nhà

 

Dù chỉ là việc thay bóng đèn, nhưng cũng cần tính toán đến nhiều yếu tố kỹ thuật như công suất, mức tản nhiệt,... Vì vậy, theo các chuyên gia, không nên tự độ đèn ô tô tại nhà nhằm mục đích đảm bảo về mặt kỹ thuật cho xe cũng như đảm bảo an toàn cho bạn trong lúc sử dụng. Hãy tìm tới các gara có thợ đủ chuyên môn, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.

 

Chọn gara độ đèn xe ô tô

 

Độ đèn dù ít hay nhiều thì cũng sẽ phải can thiệp tới hệ thống điện của xe, chưa kể có những cách độ đèn cần phải “mổ đèn”. Vì vậy, cần lựa chọn cơ sở độ đèn uy tín, có chính sách hậu mãi và bảo hành dài hạn, rõ ràng. Bởi những nơi này sẽ cung cấp các sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là đội ngũ thợ có chuyên môn kỹ thuật, giàu kinh nghiệm.

 

Một số câu hỏi thường gặp liên quan tới độ đèn ô tô

 

Nên độ đèn ô tô loại nào thì tốt nhất?

 

Trả lời:  Bi Xenon là phương án tốt nhất. Nhưng cũng cần dựa theo chi phí và mục đích sử dụng.

 

Độ đèn ô tô cần chú ý điều gì?

 

Trả lời: Cần chú ý tới việc không gây chói mắt cho người đối diện, bởi vừa gây nguy hiểm cho người đi đường, vừa bị phạt và bị từ chối đăng kiểm.

 

Độ đèn ô tô như thế nào để không ảnh hưởng tới đăng kiểm?

Trả lời: Để độ đèn ô tô không ảnh hưởng tới đăng kiểm, chủ xe cần lựa chọn chỗ độ đèn ô tô có kinh nghiệm và đảm bảo được 2 yếu tố là cường độ sáng và độ hội tụ.

 

Độ đèn ô tô có vi phạm luật ATGT không?

Trả lời: Đảm bảo đủ độ an toàn sẽ không bị coi là vi phạm luật ATGT.

 

Có nên thay bóng LED cho ô tô?

 

Trả lời: Nếu xe không có trang bị Projector thì không nên thay bóng LED vì sẽ dễ gây chói lóa cho xe đối diện, dẫn tới nguy hiểm.

ANYCAR.VN BÁN BẢO HIỂM Ô TÔ NHANH NHẤT, RẺ NHẤT
(Ở HÀ NỘI VÀ HỒ CHÍ MINH VỚI 5 HÃNG BẢO HIỂM)
Vui lòng gọi số 0902262232 để được tư vấn ngay.
Hoặc để lại số điện thoại bên dưới để được tư vấn miễn phí.

   Liên hệ tư vấn
Gọi theo số 0902262232 để nhận tư vấn về mua xe (Miễn phí từ 8h đến 18h)
   Liên hệ tư vấn
Gọi theo số 0902262232 để nhận tư vấn về mua xe (Miễn phí từ 8h đến 18h)

BÀI VIẾT LIÊN QUAN